Tử Cấm Thành – Cố Cung Bí Ẩn, Uy Nghiêm Của Trung Quốc
Tử Cấm Thành là di tích lịch sử tại thành phố Bắc Kinh. Đây là địa điểm nổi tiếng để khám phá văn hóa nghìn năm lịch sử phong kiến của Trung Hoa. Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch Bắc Kinh, thì hãy cùng Hoàng Việt Travel tìm hiểu về vị trí, lịch sử, kiến trúc,…của cung điện hoành tráng này ngay nhé.
>>>> ĐỌC NGAY: Du lịch Bắc Kinh – TOP 10 địa điểm vui chơi nhất định ghé đến
1. Giới thiệu sơ lược về Tử Cấm Thành
Tử cấm Thành là một trong những kiến trúc đồ sộ, có lịch sử tồn tại từ rất lâu ở Trung Quốc. Nơi này còn được gọi là Cố Cung. Một quần thể cung điện phức hợp nằm ở khu Đông Thành, Bắc Kinh. Tử Cấm Thành vô cùng rộng lớn với diện tích lên đến 720 000 mét vuông. Nơi đây toạ lạc ngay trung tâm của Hoàng Thành Bắc Kinh. Cố Cung được bao bọc bởi nhiều khu vườn, đền đài sang trọng cùng nhiều di tích khác.

Trước năm 1420, Tử Cấm Thành được xây dựng với hơn 980 tòa nhà với 9999 phòng. Diện tích lúc này là 72 ha. Nơi này được xem là biểu tượng cho sự xa hoa của hoàng đế Trung hoa. Đồng thời thể hiện được lối kiến trúc vô cùng độc đáo.

Thiết kế của Cố Cung được hình thành dựa trên truyền thống văn hóa Trung Quốc và kiến trúc Đông Á độc đáo. Năm 1987, Tử Cấm Thành đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới . Bên cạnh đó, nơi đây trở thành công trình kiến trúc cổ cần được bảo tồn. Ngày nay, du khách đến thăm sẽ được tham quan các cung của vua quan cùng những tác phẩm nghệ vô giá.
2. Thời gian tốt nhất đi du lịch Tử Cấm Thành
2.1. Địa điểm
Cố Cung nằm ở ngay trung tâm thành phố Bắc Kinh, ngay cạnh quảng trường Thiên An Môn. Để đến được Tử Cấm Thành ở Trung Quốc bạn cần di chuyển khoảng hơn 20km và khoảng 3km đi bộ, từ ngoài tường thành vào.

2.2. Giờ mở cửa
Tử Cấm Thành tiếp đón du khách quanh năm, nhưng trong những mùa du lịch thấp điểm hoặc cao điểm sẽ có sự thay đổi. Vào các ngày lễ hoặc sự kiện lớn và tình huống đặc biệt, sẽ có thông báo riêng về giờ mở cửa. Dưới đây là lịch mở cửa thông thường:
- Từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10: 8h30 – 17h (Lượt vào cuối cùng: 16h10)
- Từ ngày 1 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3: 8h30 – 16h30 (Lượt vào cuối cùng: 15h40)
2.3. Giá vé
- Từ tháng 4 đến tháng 10: 60 tệ
- Từ tháng 11 đến tháng 3: 40 tệ
3. Lý giải về tên gọi “Tử Cấm Thành” – Forbidden City, 紫禁城
Tên Tử Cấm Thành xuất phát từ nhiều ý nghĩa khác nhau, trong đó:
- Tử được lấy nghĩa từ sao Tử Vi, là nơi ở của Ngọc Hoàng. Chính vì thế nên người ta lấy đó làm nơi ở của Hoàng Đế.
- Cấm ý chỉ không một ai được phép vào cung khi chưa có sự cho phép của Hoàng Đế.
- Cuối cùng Thành ám chỉ thành phố, hay tên gọi khác của nơi này là Cố Cung – Thành phố cũ.

4. Lịch sử hình thành nên Tử Cấm Thành nổi tiếng
Vào năm 1403, Chu Đệ lật đổ cháu mình là Minh Huệ Đế, và trở thành Hoàng đế kế tiếp của nhà Minh. Sau đó, đặt tên niên hiệu là Vĩnh Lạc. Ông quyết định chuyển đô từ Nam Kinh tới Bắc Bình (sau này được đổi tên thành Bắc Kinh – sau khi ông lên ngôi). Tiến hành cho xây dựng Tử Cấm Thành vào tháng 7 năm 1406.
Quá trình xây dựng Tử Cấm Thành kéo dài trong 14 năm, với hơn một triệu công nhân tham gia. Các vật liệu được sử dụng bao gồm gỗ quý Trinh Nam từ các khu rừng ở phía tây nam Trung Quốc. Ngoài ra, còn có đá cẩm thạch lớn từ các mỏ đá gần Bắc Kinh. Các khu đại điện lớn được lát nền bằng “gạch vàng,” một loại gạch nung đặc biệt từ Tô Châu.

Vào tháng 12 năm 1420, Tử Cấm Thành đã hoàn thành cơ bản. Nhưng đến tháng 5 năm sau đó, một trận sét đánh đã thiêu cháy ba điện lớn ở ngoại triều. Cho đến năm 1440, thời Minh Anh Tông mới xây dựng lại ba tiền điện và điện Càn Thanh.

Năm 1557, Tử Cấm Thành gặp hỏa hoạn, khiến cả ba tiền điện và Phụng Thiên Môn, Văn Vũ Lâu, Ngọ Môn bị thiêu rụi. Sau đó mất 4 năm để hoàn toàn xây dựng lại chúng. Năm 1597, Tử Cấm Thành lại bị cháy lớn, thiêu cháy ba điện ở phía trước và ba cung ở phía sau. Việc khôi phục công trình chỉ hoàn thành vào năm 1627.

Từ năm 1645 đến năm 1660, triều đại Thanh tiếp tục xây dựng và sửa chữa các công trình bị hư hỏng. Đến năm 1667, Đoan Môn cũng được xây dựng lại. Sau khi Càn Long Đế lên ngôi vào năm 1735, Tử Cấm Thành đã tiếp tục được xây dựng và sửa chữa trên quy mô lớn trong suốt 60 năm ông trị vì.
5. Sơ đồ Tử Cấm Thành với kết cấu độc đáo
Tử Cấm Thành được bao quanh bởi bức tường thành vững chắc, khối hình chữ nhật có chiều dài 961m và rộng 753m. Bức tường thành cao 10m, vô cùng kiên cố cùng hào sâu bao quanh tạo nên khu cấm địa. Ở 4 góc thành chính là 4 tháp canh có kiến trúc phức tạp và 4 cổng chính để ra vào thành.

Bên trong Tử Cấm Thành được chia thành 3 khu vực:
- Ngoại Đình: Nơi này nằm ở khu vực phía Nam và còn có cách gọi khác là tiền triều. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ, lễ tế và thi cử quan trọng. Khu vực này lấy Điện Thái Hòa là trung tâm, phía sau là điện Bảo Hòa, 2 bên là điện Văn Hoa, Võ Anh.
- Nội Đình: Đây là nơi ở của Hoàng Đế và Hoàng thất còn gọi là Hậu Cung. Thường Hoàng Đế sẽ sinh sống và làm việc tại đây. Ba cung quan trọng nhất ở khu vực này chính là Cung Càn Thanh, Cung Khôn Ninh và điện Giao Thái.
- Vòng Ngoài: Thường vòng ngoài của Tử Cấm Thành là các khu vườn hoàng gia. Phía Bắc có Cảnh Sơn, Tây có Trung Nam Hải, Tây Bắc có Bắc Hải, Nam có Thái Miếu và Bắc Kinh Xã Tắc Đàn.
6. Những địa điểm nổi tiếng tại Tử Cấm Thành bạn không nên bỏ qua
6.1. Tường thành
Cấu trúc Tử Cấm Thành được bao bọc bởi các bức tường thành cao 10m và sông dài rộng 52m. Tường xây dựng không chỉ để phòng thủ mà còn trở thành tường chắn cho cung điện. Tường được xây bằng lõi đất nện, phủ lên bề mặt cả 2 phía là 3 lớp gạch nung đặc biệt.

>>>> ĐỪNG BỎ LỠ: Địa điểm du lịch Bắc Kinh – TOP 14 thắng cảnh phải tới 1 lần
6.2. Cổng thành
Tử Cấm Thành có 4 cổng thành chính và mỗi mặt tường đều có một cổng. Cổng Phía Nam có tên gọi là Ngọ Môn. Phía bắc là Thần Vũ Môn. Phía tây là Tây Hoa Môn và phía đông là Đông Hoa Môn. Các cổng trong Tử Cấm Thành đều được trang trí 9 hàng 9 cột núm đinh vàng.

6.3. Điện Thái Hòa
Du khách muốn đến thăm điện Thái Hòa, sẽ phải đi qua cổng Ngọ Môn. Đây là nơi quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành và tượng trưng cho quyền lực của Hoàng Đế. Điện thường sử dụng để tổ chức các buổi lễ và sự kiện quan trọng. Họa tiết chủ yếu trang trí điện Thái Hòa là hình rồng nhằm thể hiện sự uy nghiêm của Hoàng Đế.

6.4. Cung Khôn Ninh
Cung Khôn Ninh là một trong ba cung điện chính và là nơi dành cho hoàng hậu tại đây. Cung có hành lang rộng với 3 phòng lớn, mái ngói được lợp bằng lưu ly vàng óng. Ngoài là nơi ở của hoàng hậu, thì Khôn Ninh Cung còn dùng làm lễ động phòng và điện tế thần.

6.5. Quảng trường Thái Hòa Môn
Quảng trường Thái Hoà Môn là quảng trường có diện tích rất lớn với năm cây cầu bắc qua dòng Kim Thủy. Thái Hòa Môn được biết đến là cổng cung lớn nhất của cấu trúc Tử Cấm Thành. Nơi đây còn có tên gọi khác Phụng Thiên Môn. Qua biến cố lịch sử, thì được đổi tên thành Hoàng Cực Môn và cuối cùng là Thái Hòa Môn.

6.6. Tiền Tam Điện
Khi đi qua Thái Hòa Môn, du khách sẽ tiến tới quảng trường vô cùng rộng lớn. Nơi này có sân thượng tam cấp, được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng. Tâm điểm của cung điện này chính là ba đại điện được sắp xếp lần lượt là Thái Hòa Điện, Trung Hòa Điện và Bảo Hòa Điện.

6.7. Trục phía Đông
Trực phía Đông của Tử Cấm Thành gồm có:
- Văn Hoa Điện nằm ở phía đông nam của Ngoại Đình. Đây là nơi dành riêng cho Hoàng Đế. Ngoài ra, điện này còn được sử dụng để tổ chức các lễ Kinh Diên – những bài giảng về lễ nghi cung đình.

- Văn Uyên Các nằm ở phía Bắc của Văn Hoa Điện và là tòa thư viện của Thanh. Nơi này được Hoàng Đế Càn Long cho xây dựng để lưu trữ Tứ khố toàn thư.

- Truyền Tâm Điện nằm ở phía đông của Văn Hoa Điện. Đây là nơi Hoàng Đế dùng để tổ chức các lễ Tế cáo trước khi diễn ra lễ Kinh Diên.
6.8. Trục phía Tây
Trục phía Tây có các địa điểm nổi bật sau:
- Nằm về phía Tây Nam của Ngoại Đình chính là Võ Anh Điện. Nơi này có vị trí đối xứng với Văn Hoa Điện qua trục trung tâm. Trước đây vào thời nhà Minh, Võ Anh Điện là nơi Hoàng Đế sử dụng để tiếp đón, gặp gỡ các vị đại thần và các vị quý tộc.

- Nhìn về phía đông của Võ Anh Viện, bạn sẽ bắt gặp Đoạn Hồng Kiều bắc qua một đoạn sông Kim Thủy. Đoạn Hồng Kiều được xây dựng dưới dạng cầu vòm đá cực kỳ tinh xảo và thường xuất hiện với tên gọi là “Đoạn Hồng”
- Đối diện với Đoạn Hồng Kiều chính là Hàm An Cung. Hoàng Đế sử dụng nơi này để lưu trữ các văn vật cho các triển lãm đồ cổ. Ngày nay, Hàm An Cung đã được tu sửa và trở thành Bảo tàng Lịch Sử thuộc quyền quản lý của Viện Bảo tàng Cố cung.

- Nam Huân Điện nằm ở phía Tây Nam so với Võ Anh Điện. Ba di tích: Nam Huân Điện, Tây Hoa Môn và vọng gác ở phía tây nam đã tạo thành một hình tam giác. Đây là nơi ghi dấu trên bản đồ cố cung. Đây là nơi lưu giữ và thờ phụng tranh ảnh của các đời Đế Hậu cùng hiền thần của nhà Thanh. Nam Huân Điện cũng là điện hiếm hoi còn giữ nguyên trạng các kiến trúc từ đời nhà Minh.
>>>> TÌM HIỂU NGAY: Du lịch Bắc Kinh mùa nào đẹp? Kinh nghiệm du lịch Bắc Kinh
6.9. Quảng trường Càn Thanh Môn
Càn Thanh Môn là cổng chính của Càn Thanh Cung, đồng thời là cổng chính của khu vực Nội Đình. Nguyên dạng này được xây dựng vào năm 1420 trong thời kỳ Minh Thành Tổ. Vào năm 1655 trong triều đại Thuận Trị, đã được tiến hành trùng tu.
Càn Thanh Môn rộng năm gian, sâu ba gian và cao khoảng 16 mét (52 ft). Nó nằm trên một bậc thềm cao khoảng 1,5 mét (4,9 ft) được làm bằng cẩm thạch trắng. Nơi đây được bao quanh bởi lan can đá với các hoa văn tinh xảo được điêu khắc.

Phía trước Càn Thanh Môn có ba lối đi lên bậc thềm. Trong đó, lối đi chính là con đường đá chỉ dành riêng cho Hoàng đế, hai bên là hai tượng sư tử bằng đồng mạ vàng. Hai bên của Càn Thanh Môn đặt hai bức bình phong lưu ly hình “八”, cao khoảng 8 mét (26 ft) và dài khoảng 9,7 mét (32 ft). Trên cả tường và các khúc ngoặt được trang trí bằng hoa tráng men. Điều này đã tạo nên vẻ đẹp tinh tế và sang trọng cho công trình này.
6.10. Hậu Tam Cung
Ở trung tâm của Nội Đình có 3 cung điện chính là Càn Thanh Cung, Giao Thái Điện và Khôn Ninh Cung và còn được gọi là Hậu Tam Cung:
- Càn Thanh Cung là nơi ở của Hoàng Đế, đại diện cho quẻ Càn trong kinh dịch.
- Khôn Ninh Cung lại là nơi ở của Hoàng Hậu tượng trưng cho quẻ Khôn.
- Giao Thái Điện nằm ở giữa giữ vai trò giao hòa và cân bằng âm dương.
Hậu Tam Cung không chỉ có ý nghĩa về mặt kiến trúc mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa Trung Hoa sâu sắc.

6.11. Ngự Hoa Viên
Ở phía sau cùng của Tử Cấm Thành chính là Ngự Hoa Viên hay còn được gọi là Vườn Thượng Uyển. Ngự Hoa Viên được xây dựng vào năm 1417 và mang cảnh sắc thiên nhiên rất phong phú.
Nơi đây có rất nhiều loài cây cảnh quý hiếm và các gốc cổ thụ đã hơn trăm năm tuổi. Ngoài ra trong vườn còn có các vọng lâu, đình đài để vua chúa dừng chân, đọc sách, thưởng thức thơ ca. Khi du khách ghé thăm chốn này sẽ cảm thấy thư thái và yên bình.

6.12. Dưỡng Tâm Điện
Nhìn về hướng tây nam của Tử Cấm Thành, bạn sẽ nhìn thấy Dưỡng Tâm Điện – Nơi được xây dựng vào thời kỳ nhà Thanh. Dưỡng Tâm điện được sử dụng làm thư phòng của Hoàng đế. Bắt đầu từ thời kỳ vua Ung Chính, nơi đây đã trở thành phòng làm việc, họp bàn triều đình và là nơi nghỉ ngơi của vua.

6.13. Khu vực Trọng Hoa Cung
Hướng mắt về phía đông bắc của khu vực Nội Đình, chính là khu vực Trọng Hoa Cung. Trong đó, nổi bật nhất chính là Ninh Thọ Cung. Nơi đây được thiết kế như một bản sao thu nhỏ của Tử Cấm Thành bao gồm ngoại đình, nội đình, hoa viên và đền đài.
Trên các lối vào Ninh Thọ Cung, ta sẽ bắt gặp những bức tường được trang trí bằng đá lát tráng men hay còn được gọi là Cửu Long Bích. Hiện tại, nơi này đã được trùng tu lại và đưa vào danh sách du khách có thể tham quan.

6.14. Đông Lục Cung và Tây Lục Cung
Trong Hậu Tam Cung có hai phần đối diện nhau là Đông Lục Cung và Tây Lục Cung. Mỗi cung sẽ có 6 cung điện nhỏ và là nơi ở của hoàng hậu, phi tần cùng các con của hoàng đế. Các cung điện đều được nối thông nhau bằng nhiều lối đi và có kiến trúc khá đồng đều.

>>>> ĐỌC NGAY: Di Hòa Viên – khu vườn hoàng gia nhà Thanh đẹp như tranh vẽ
6.15. Từ Ninh Cung và Thọ Khang Cung
Ở phía tây của Nội Đình có một khu vực gọi là Quả Phụ Viện bao gồm Từ Ninh Cung, Thọ Khang cung và một số cung điện khác. Nơi này thường là chỗ ở của các thê thiếp của hoàng đế đời trước. Khi hoàng đế qua đời, các thê thiếp đều phải chuyển từ Đông Tây Lục Cung sang Quả Phụ Viện.

7. Nghệ thuật kiến trúc của Tử Cấm Thành
7.1. Kiến trúc đối xứng Nam – Bắc
Là đại diện cho quyền lực tối cao của Hoàng đế và trung tâm chính trị của quốc gia, Tử Cấm Thành được thiết kế đối xứng trên một trục trung tâm dọc từ hướng Bắc xuống Nam ứng với tất cả các cổng và sảnh quan trọng. Thiết kế này đã được nghiên cứu kỹ từ rất nhiều nhà chiêm tinh học cùng các kỹ sư đại tài thời bấy giờ.

7.2. Màu sắc hoàng gia
Trong lịch sử Trung Hoa, màu sắc đại diện cho hoàng thất chính là màu vàng và màu đỏ. Trong đó, màu vàng tượng trưng cho quyền lực tối cao và màu đỏ đại biểu cho sự may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế mà Tử Cấm Thành cũng được xây dựng và thiết kế dựa trên 2 màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng. Các bức tường, trụ, cột sẽ được sơn màu đỏ và mái ngói lợp tráng men tạo nên bức tranh rất sống động và hài hòa.

7.3. Công trình gỗ cao cấp nhất thời xưa
Tử Cấm Thành được biết đến là một tổ hợp kiến trúc sử dụng các loại gỗ cổ xưa và vô cùng quý hiếm. Các cột trụ chính và dầm nhà được làm từ gỗ cây Trinh Nam hiếm có khó tìm. Điều đặc biệt là các khớp gỗ đều được ghép lại một cách khéo léo và không cần sử dụng đinh.

7.4. Trang trí mái điện
Mái điện của Tử Cấm Thành được trang trí bởi một dãy các linh vật quyền lực quen thuộc ở Trung Hoa. Chúng thường có các hình dáng như rồng, phượng và sư tử. Các linh vật đều được chế tác khéo léo, tỉ mỉ và có dụng ý.

7.5. Sư tử đồng/đá
Theo quan niệm của Trung Quốc, sư tử là vua của muôn thú và là biểu tượng cho sức mạnh vô song. Chính vì thế nên khi xây dựng Tử Cấm Thành, Hoàng Đế đã đặt tượng sư tử ở đây. Điều này nhằm mục đích canh giữ và bảo vệ hoàng gia.

8. Những câu hỏi thường gặp về Tử Cấm Thành
8.1. Vì sao du khách phải rời Tử Cấm Thành trước 5h chiều?
Đầu tiên, Tử Cấm Thành ở Trung Quốc mang lên mình rất nhiều bí ẩn, do lịch sử tồn tại của nó quá dài. Tương truyền rằng, nơi đây đã chứng kiến nhiều tội ác, cái chết của nhiều người. Chính vì thế, khi trời trở tối, trong cung điện thường sẽ vọng lên những âm thanh kỳ quái.
Thứ hai, Tử Cấm Thành được canh gác thường xuyên và có một đội chó canh giữ đã được huấn luyện để bảo vệ nơi này.
Thứ ba, các đồ vật bên trong thành đã bị mất cắp bởi du khách. Chính vì thế, nơi đây sẽ đóng cửa sớm để bảo toàn các cổ vật.
Thứ tư, Cố Cung quá rộng lớn và có rất nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng và chưa được tu sửa. Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan và tránh những sự cố đáng tiếc, thành sẽ đóng cửa trước khi trời tối.
8.2. Tử Cấm Thành rộng bao nhiêu?
Tử Cấm Thành tại Trung Quốc được coi là một trong những cung điện lớn nhất trên thế giới. Nơi có diện tích rộng lớn lên tới 720.000 m2 và hơn 800 cung điện lớn nhỏ.

8.3. Ai là người thiết kế Tử Cấm Thành?
Tử Cấm Thành là một biểu tượng của sự tráng lệ và xa hoa của Trung Quốc. Nơi đây có một sự thật ít được biết đến, chính là công trình này đã có sự tham gia xây dựng của người Việt có tên là Nguyễn An (1381 – 1453). Sau đó, ông trở thành một thái giám và được đưa vào cung để phục vụ hoàng đế nhà Minh.

8.4. Có phải được dựng lên từ những khối đá “khủng”?
Tử Cấm Thành ở Trung Quốc không chỉ mất hơn 10 năm để xây dựng mà còn được tạo thành từ những khối đá khổng lồ. Theo các nhà khảo cổ, người xưa đã sử dụng những khối đá vô cùng nặng nề. Chúng có trọng lượng từ 200 đến 300 tấn để xây dựng Tử Cấm Thành.

Những khối đá này đã được chuyển về Bắc Kinh trên quãng đường dài lên tới 70km bằng cách sử dụng những bánh xe có nan. Quá trình vận chuyển đá rất khó khăn và gian nan. Mỗi khối đá cần đến 50 người đàn ông khỏe mạnh và phải vận chuyển trong suốt 28 ngày không ngừng.
8.5. Tử Cấm Thành có thực sự “có ma”?
Tử Cấm Thành đã tồn tại qua hàng loạt triều đại khác nhau và đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh gay gắt tranh giành quyền lực. Bên cạnh đó, đã gắn liền với những cuộc chiến đầy oan khuất giữa các phi tần, cung nữ và thái giám. Đặc biệt là những câu chuyện đẫm máu và oán hận trong cung đình tráng lệ, khiến nhiều người đã phải chịu số phận rất bi thảm. Có lẽ chính vì những lịch sử đen tối đó, nơi này đã được bao phủ bởi những câu chuyện ma quỷ và hiện tượng siêu nhiên khiến nhiều người khiếp sợ.

Những câu chuyện kể trên chưa được xác minh bằng chứng thực và vẫn chưa được kiểm chứng bởi nghiên cứu khoa học. Đó chỉ là những câu truyện được truyền miệng, nhằm tạo thêm sự tò mò và thu hút du khách đến tham quan mà thôi.
Tử Cấm Thành là một kho báu lịch sử vô giá, một công trình kiến trúc minh chứng cho thời đại hoàng kim của Trung Quốc thời phong kiến. Nơi này không chỉ mang giá trị lịch sử quan trọng, mà còn gắn liền với văn hóa sâu sắc của nhân dân Trung Hoa.Trên đây là những thông tin mà Hoàng Việt Travel gửi đến quý khách. Nếu bạn có dịp đến Bắc Kinh, đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan Cố Cung hoa lệ và huyền bí này.
>>>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Quảng trường Thiên An Môn – địa điểm thu hút khách du lịch
- Thiên đàn Bắc Kinh – đền thờ trời nổi tiếng giữa lòng thủ đô

Thomas Vũ Thắng – Giám đốc công ty du lịch Hoàng Việt Travel, người có gần 30 năm kinh nghiệm làm du lịch trong và ngoài nước. Hy vọng những chia sẻ trên đây từ tôi sẽ giúp bạn có những kinh nghiệm thật hữu ích cho chuyến du lịch của mình. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!