Phù Dung Trấn – Du Lịch Thị Trấn Trên Thác Độc Đáo Nhất 2023
Phù Dung Trấn (芙蓉, Furong) là cổ trấn hơn 2000 năm tuổi, nằm trên thác suốt ngàn năm ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây cũng là điểm đến mà du khách không thể bỏ qua trên hành trình du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn. Để khám phá vẻ đẹp mê người của trấn Phù Dung, mời bạn cùng Hoàng Việt Travel tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
>>>> BÀI VIẾT LIÊN QUAN NHẤT: Danh sách tour Phượng Hoàng Cổ Trấn du lịch với giá tốt
Nội Dung Bài Viết
1. Tìm hiểu về Phù Dung Trấn
Phù Dung Trấn trước đây có tên gọi là Vương Thôn. Đây là cổ trấn xinh đẹp nằm ở quận Vĩnh Thuận, phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trấn cổ này được thành lập bởi Hán Cao Tổ (Gaozu). Đồng thời, đây từng là thủ phủ quận Dậu Dương (Youyang) dưới thời nhà Tây Hán năm 202 TCN. Tương truyền, người Thổ Gia (Tujia) là tộc cư dân nguyên thủy lớn nhất ở cổ trấn này. Rất lâu sau đó, người Hán mới du nhập vào đây.
Năm 1986, nơi đây được chọn để lấy bối cảnh quay phim “Thị trấn Phù Dung”. Đến năm 1987, bộ phim đã giành được giải Vàng cho Phim Trung Quốc hay nhất. Chính nhờ thành công này, năm 1997, thị trấn mới được đổi tên thành Phù Dung Trấn.

Dù là một thị trấn nhỏ, nhưng nơi đây lại nổi tiếng vì có vị trí đẹp và độc đáo. Thị trấn Phù Dung nằm trên dãy núi Sùng Sơn huyền bí, bên dưới là thác nước đổ xuống sông Youshui. Nếu nhìn từ xa, bạn sẽ có cảm giác như thị trấn đang treo lơ lửng trên thác nước. Chính vì thế, Phù Dung còn được gọi là “thị trấn treo trên thác”.
Nơi cao nhất của trấn cổ là 927 mét và thấp nhất là 139 mét. Nếu đứng ở nơi cao nhất, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thị trấn. Sự nhộn nhịp của trấn Phù Dung kết hợp hài hòa với nét trầm tĩnh, hoang sơ của núi rừng. Tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, yên bình.
2. Thời điểm nên đi du lịch Phù Dung cổ trấn
Theo người dân bản địa và du khách, thời điểm tốt nhất để khám phá trấn Phù Dung là từ tháng 4 – tháng 10. Thời tiết lúc này rất dễ chịu với không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đến đây vào mùa đông, khoảng tháng 11 – tháng 2 năm sau. Khi đó, trấn Phù Dung đang ẩn mình trong màn tuyết trắng tinh khôi.
Ngoài ra, thời tiết Phù Dung Trấn mang đặc trưng của khí hậu ôn hòa với 4 mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm của trấn là 1.300 – 1.500mm với sự biến chuyển về nhiệt độ như sau:
- Nhiệt độ trung bình hàng năm: Khoảng 12 – 16 độ C.
- Nhiệt độ cao nhất: 24 – 27 độ C (Tháng 7).
- Nhiệt độ thấp nhất: 1,7 – 4,3 độ C (Tháng 1).

>>>> THAM KHẢO THÊM: Du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn mùa nào đẹp nhất?
3. Những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Phù Dung Trấn
Khi đến thăm thị trấn cổ Phù Dung, bạn nhất định phải khám phá những điểm đến nổi bật sau:
3.1 Thác nước Phù Dung
Thác nước Phù Dung hùng vĩ nằm ở phía Tây trấn cổ. Đây chính là thác nước lớn nhất phía Tây tỉnh Hồ Nam. Thác có độ cao 60m, rộng khoảng 40m. Nhìn từ xa, thác Phù Dung trông giống những dải lụa trắng mềm mại, tô điểm cho vẻ đẹp thơ mộng của thị trấn.

Bao quanh thác nước là núi non và cỏ cây xanh ngát. Vào mùa thu, khi những tán lá thay màu, thác nước Phù Dung lại khoác lên mình một tấm áo rực rỡ hơn với màu đỏ cam. Nếu đến đây vào thời điểm này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp lãng mạn say đắm ấy.
3.2 Cầu Thổ Vương
Cầu Thổ Vương là công trình tiêu biểu theo phong cách kiến trúc Thổ Gia. Cầu Thổ Vương có góc cạnh của mái cao, uy nghi nhằm xua đuổi tà ma theo quan niệm dân gian. Cầu được xây dựng vắt ngang qua dòng sông thơ mộng – nơi khởi nguồn của thác Phù Dung hùng vĩ.

Trước đây, cầu Thổ Vương thường được người Thổ Tỵ dùng để thưởng ngoạn phong cảnh. Đến nay, công trình lại trở thành nơi nghỉ chân, dạo mát, đàm luận, ca hát của người dân địa phương. Cầu Thổ Vương cổ kính có giá trị lịch sử và kiến trúc to lớn. Bên cạnh đó, đây cũng là địa điểm tham quan yêu thích của nhiều du khách.
3.3 Cung điện Thổ Ty (Tusi)
Đi qua cầu Thổ Vương, du khách sẽ được dẫn trực tiếp đến cung điện Thổ Ty. Công trình này được xây dựng bởi một tù trưởng người Thổ Gia giàu có. Bởi thế, cung điện này đã mang đậm nét kiến trúc cổ truyền của người Thổ Gia. Phía trước cung điện là dòng chảy tưởng như bất tận, còn hai bên là những vách đá to. Các vách đá được xây dựng kiên cố giúp bảo vệ cung điện khỏi các cuộc xâm lược từ bên ngoài.

Ban đầu, cung điện Thổ Ty được xây dựng để làm nơi nghỉ ngơi của tầng lớp quyền quý. Nhưng ngày nay, đây lại là một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách. Khi đến đây, bạn sẽ được khám phá nét kiến trúc độc đáo của người Thổ Gia. Cùng với đó, du khách cũng được nghe những truyền thuyết xưa về tòa cung điện này.
3.4 Phố Ngũ Lý Thạch Bản (Wuli Slate)
Phố Ngũ Lý Thạch Bản là một con phố nhỏ hẹp, hai bên là các dãy nhà cổ san sát nhau. Nhà ở đây được làm bằng gỗ, trước hiên nhà là những chiếc đèn lồng đủ hình dáng. Dạo bước trên phố, bạn sẽ cảm nhận được nét kiến trúc Trung Hoa truyền thống còn lưu dấu nơi đây. Những bậc thang bằng đá, lối đi lát gạch chỗ cao chỗ thấp,… tất cả tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, bình yên.

Đi dọc phố Ngũ Lý Thạch Bản, bạn sẽ đến được bến tàu của sông Youshui. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của thác Phù Dung và cung điện Thổ Ty. Với hơn 2000 năm tuổi, con phố này đã chứng kiến sự phát triển của Phù Dung Trấn trong suốt mấy ngàn năm.
3.5 Di tích hang động của người Thổ Gia
Nếu tinh ý, bạn sẽ phát hiện ở ngay lối vào thác Phù Dung có một hang đá. Đây là địa điểm di tích của người Thổ Gia cách đây hàng ngàn năm. Theo ghi chép từ xa xưa, đây là nơi cư trú của những người chạy trốn chiến tranh khốc liệt giai đoạn phong kiến. Sau khi chiến tranh đi qua, những người này đã ở lại đây và cùng nhau phát triển và sinh sống tại nơi này.

Hang động này có diện tích rất lớn, đủ sức chứa hàng ngàn người. Trong hang động, nhiều bức tượng được dựng lên để mô phỏng hoạt động của người Thổ Gia xưa. Nhờ thế, du khách sẽ có cảm nhận trực quan và rõ nét về phong tục, văn hóa bản địa.
>>>> THAM KHẢO THÊM: Đi du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn bao nhiêu tiền? Cập nhật 2023
3.6 Trụ cột đồng Khê Châu
Trụ cột đồng Khê Châu là dấu ấn hòa bình giữa hai quốc gia Sở và Khê Châu. Trụ cột bằng đồng được xây dựng năm 940 với trọng lượng lên đến 2.500kg. Thực tế, trụ đồng nguyên bản đã bị lún và hao mòn theo thời gian do tác động của thời tiết. Trụ cột mà du khách nhìn thấy bây giờ là bản sao được dựng lại để người Thổ Gia lưu giữ và tái hiện nét lịch sử.

4. Hướng dẫn cách di chuyển đến Phù Dung trấn
Để di chuyển đến Phù Dung Trấn, du khách có thể đi bằng xe hơi hoặc xe buýt. Để thuận tiện hơn cho việc di chuyển đối với 2 phương tiện này, bạn hãy theo dõi nội dung sau:
4.1 Xe hơi
Từ Phượng Hoàng Cổ Trấn, bạn có thể di chuyển bằng xe hơi để đến trấn Phù Dung thông qua đường cao tốc S99. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian hơn so với việc đi chuyển đến các trạm xa buýt. Ngoài ra, đối với hình thức này, bạn có thể tự do lái xe của mình đến những nơi yêu thích và dừng chân để check-in những cung đường đẹp khi đi qua.
4.2 Xe buýt
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể di chuyển đến Cổ Trấn bằng xe buýt. Nhưng đối với hình thức này, thời gian đi sẽ lâu hơn và tính chủ động kém hơn. Vé xe buýt hiện tại là khoảng 25 tệ/người. Hiện tại, ở cả 3 điểm du lịch Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn và Cát Thủ đều có xe buýt đi thẳng đến trấn Phù Dung. Thời gian di chuyển ở từng điểm xuất phát như sau:
- Trạm buýt Trương Gia Giới: Khoảng 1,5 giờ.
- Trạm buýt Cát Thủ: Khoảng 2 giờ.
- Trạm buýt Phượng Hoàng Cổ Trấn: Khoảng 2,5 – 3 giờ.
5. Gợi ý nơi lưu trú khi du lịch Phù Dung phố cổ
Nếu có thời gian thư thả, du khách có thể dành nhiều ngày để tham quan Phù Dung Trấn. Nếu du khách qua đêm tại trấn, thì có thể nghỉ ngơi tại các nhà trọ gia đình hoặc ở khách sạn. Các nhà trọ thường nằm cạnh thác nước, bờ sông nên khá yên tĩnh và thoải mái. Hình thức này sẽ phù hợp với du khách muốn hòa mình vào nếp sống của người bản địa.

Tuy nhiên, nếu bạn thích không gian thoải mái, riêng tư hơn thì nên chọn khách sạn. Các khách sạn cũng có đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ tương tự nhà trọ nhưng có giá thành cao hơn. Nếu lưu trú tại khách sạn, du khách có thể tham khảo một số địa điểm sau:
- Splendid Furong Building Dream House – Gần cổng vào trấn Phù Dung
- Yibaijia Nationality Hotel – Nhóm 2, Cộng đồng thị trấn mới, Thị trấn Phù Dung
- Menghui Furong Designer Hotel (Chi nhánh Thác nước trấn Phù Dung) – Ven sông trấn Phù Dung
- Gloria Grand Hotel Yong Shun – Số 8, tòa nhà 1, Công viên văn hóa thành phố Fushi, Đại lộ Vĩnh Thuận
>>>> BÀI VIẾT BỔ TRỢ: Mua gì ở Phượng Hoàng Cổ Trấn làm quà? 17 gợi ý hay nhất
6. Những món ăn đặc sản ngon không thể bỏ lỡ tại Phù Dung
Ngoài cảnh đẹp, Phù Dung Trấn cũng sở hữu những món đặc sản truyền thống của người Thổ Gia. Vì thế, khi đến đây, bạn đừng bỏ qua việc thưởng thức những món ăn thơm ngon này nhé!
6.1 Lẩu cá Hoa Quế
Hầu hết, món ăn ở thị trấn cổ này đều mang hương vị đặc trưng của Tương Tây, lẩu cá cũng không ngoại lệ. Lẩu cá thường được làm từ cá Hoa Quế có thịt thơm, mềm, ít xương. Đặc biệt, cá phải được sử dụng sống để giữ nguyên hương vị và độ tươi.

Nước lẩu được chế biến từ nhiều loại gia vị và nguyên liệu theo công thức của người bản địa. Tất cả hòa quyện lại, tạo thành hương vị chua cay, dịu ngọt đặc trưng. Những năm gần đây, lẩu cá Hoa Quế được đưa vào danh sách các món ngon tại trấn Phù Dung. Vì vậy, khi đến đây, bạn nên thử qua món mỹ vị nhân gian này nhé!
6.2 Cơm đậu phụ
Cơm đậu phụ là món ăn được người địa phương sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Đây cũng là món đặc sản trấn Phù Dung được nhiều du khách tìm kiếm.
Nguyên liệu chính của món ăn này là gạo và đậu phụ. Gạo được nấu chín thành hạt cơm mềm dẻo, ăn cùng đậu phụ nấu với nước sốt đặc biệt. Nước sốt có vị đậm đà, làm từ nhiều nguyên liệu như ớt, xì dầu, hành lá, đậu phụ rang,… Dù làm từ nguyên liệu đơn giản nhưng cơm đậu phụ lại là món ăn níu chân nhiều thực khách khi đến đây.

6.3 Kẹo gừng
Phố Ngũ Lý Thạch Bản nổi bật không chỉ bởi nét cổ xưa, nhộn nhịp mà còn bởi món kẹo gừng thơm ngon. Kẹo gừng ở đây được làm thủ công với nguyên liệu chính là gừng. Thành phẩm ra đời sẽ có vị cay, ngọt và thơm mùi gừng đặc trưng.

Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng giảm ho, phòng cảm, cải thiện hệ tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe. Chính vì thế, người dân địa phương rất ưa ăn chuộng món này. Nếu thích, bạn cũng có thể mua về làm quà hoặc nhâm nhi mỗi khi nhớ về hành trình ở Cổ Trấn xinh đẹp.
>>>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: 18 món ăn đặc sản Phượng Hoàng Cổ Trấn nổi tiếng phải thử
7. Có nên đi du lịch Phù Dung trấn tự túc không?
Nếu không muốn bị gò bó khi đi theo tour, du khách có thể du lịch tự túc Phù Dung Trấn. Vì thị trấn này không lớn nên bạn chỉ cần dành khoảng nửa ngày để tham quan các điểm đến chính. Tuy nhiên, nếu có nhiều thời gian, bạn có thể dành một cho đến vài ngày để đi dạo, ngắm cảnh, tìm hiểu văn hóa bản địa,…

Nếu đi du lịch tự túc, bạn có thể tham khảo lịch trình khám phá trấn Phù Dung trong nửa ngày sau đây:
- Những ngôi nhà bằng gỗ ở trung tâm quảng trường chính (Chieftain): Đây là nơi diễn ra các buổi biểu diễn, nghi lễ cộng đồng của người địa phương. Các ngôi nhà được xây theo chuẩn kiến trúc truyền thống của người Thổ Gia.
- Đền thờ Ngọc Hoàng: Đền thờ nằm trên cầu thang đối diện quảng trường chính. Nơi này được người Thổ Gia dùng để thờ thần Đạo giáo và thờ cúng tổ tiên.
- Công viên trụ cột đồng Khê Châu: Ngoài trụ cột đồng, công viên còn có nhiều cây và tiểu cảnh đẹp mắt. Không khí ở đây cũng trong lành nên rất thích hợp để nghỉ ngơi, thư giãn.
- Cầu Thổ Vương
- Cung điện Thổ Ty
- Thác nước Phù Dung
- Di tích hang động người Thổ Gia cổ
- Phố Ngũ Lý Thạch Bản: Khi đến đây, bạn có thể thưởng thức món đặc sản như kẹo gừng, cơm đậu và ong mật.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Phù Dung Trấn – cổ trấn xinh đẹp phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ngoài thị trấn này, Trung Quốc cũng sở hữu nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng khác. Để tìm hiểu thêm về các điểm du lịch nghỉ dưỡng tiếp theo, bạn nhớ theo dõi các nội dung mới của Hoàng Việt Travel nhé!
>>>> ĐỪNG BỎ LỠ: